Sự nghiệp văn chương Sầm_Tham

Thời Thiên Bảo (niên hiệu của Đường Huyền Tông từ 742 đến 756), dân tộc Hán đánh nhau liên miên với các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc, Đông BắcTây Nam. Đây là một sự kiện lớn và là một đề tài lớn lúc bấy giờ, được nhiều nhà thơ (trong đó có Sầm Than) khai thác.

Sầm Than, nhờ sống ở biên ải tương đối lâu, nên làm được rất nhiều thơ biên tái. Qua sự miêu tả sinh động, ông đã làm cho người đọc hình dung được phong cảnh, phong tục, cuộc sống với nhiều dạng vẻ nơi biên ải, tinh thần chiến đấu và nhớ quê của các tướng sĩ biên phòng. Tiêu biểu là những bài: "Tẩu Mã xuyên hành phụng tống Phong đại phu xuất sư tây chinh" (Bài hành "Sông Tẩu Mã" tiễn đại phu họ Phong xuất quân đánh giặc phương Tây), "Bạch tuyết ca tống Võ Phán quan quy kinh" (Bài ca Tuyết trắng tiễn Võ Phán quan về kinh), "Luân Đài ca phụng tống Phong đại phu xuất sư tây chinh" (Bài ca Luân Đài tuân lệnh tiễn Phong đại phu tây chinh), "Đề Mục Túc phong ký gia nhân" (Trên ngọn Mục Túc gửi người nhà), "Phùng nhập kinh sứ" (Gặp sứ vào kinh), "Sơn phòng xuân sự" (Cảnh xuân nhà trên núi), v.v...Bên cạnh đó, Sầm Than còn làm một thơ thù tạc, cảm hoài; nhưng không hay bằng thơ biên tái.

Ở một số sách văn học sử Trung Quốc, Sầm Than thường được xếp cạnh Cao Thích (高適, 702-765), vì cả hai cùng nổi danh về thơ biên tái. Song, thơ biên tái của Sầm Than phong phú và nhiều vẻ hơn thơ biên tái của Cao Thích, rất có thể vì Sầm Than sống ở biên ải lâu hơn [9]. Nói về điều này, sách Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2) có đoạn viết:

Đem so sánh thì thấy thơ Cao Thích du dương uyển chuyển, trong ý vị trữ tình nồng hậu, thể hiện khí thế hào phóng và tinh thần khảng khái, hiên ngang. Còn thơ Sầm Than thì âm điệu dồn dập, cao vút, với phong cách lạ và đẹp, miêu tả cảnh biên cương tráng lệ, kỳ khôi, biến ảo khôn lường. Về mặt phong cách nghệ thuật độc đáo, mới mẻ và sự phong phú rộng rãi của diện sinh hoạt được phản ánh, thì rõ ràng Cao Thích không theo kịp Sầm Than. Sầm Than quả là nhà thơ tiêu biểu, xuất sắc nhất trong các nhà thơ biên tái đời Đường [10].

Liên quan